Trang chủ Tin khởi nghiệp Giáo dục - Đào tạo Chuyện giờ mới kể về “Ngài TV” của Samsung

Chuyện giờ mới kể về “Ngài TV” của Samsung

Không có gì bất ngờ khi Yoon Boo-Keun được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Ngài TV”. Ông đang phụ trách công việc kinh doanh của hãng sản xuất TV lớn nhất thế giới.

Trong văn phòng trên tầng 12 của trụ sở chính Samsung Electronics tại Suwon, phía Nam Seoul, 5 màn hình ti vi khổng lồ vây quanh bàn làm việc của ông. 6 màn hình khác chịu trách nhiệm cập nhật trực tiếp các dữ liệu tài chính. Khung cảnh rất khác với thời thơ ấu của Boo-Keun, người sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nghèo đến nỗi cả làng chỉ có duy nhất một chiếc đài cổ lỗ sĩ.

Kể từ khi tiếp quản bộ phận Màn hình hồi năm 2007, Yoon đã dẫn dắt Samsung tiến vào kỷ nguyên của TV LED, 3-D và “thông minh’. Năm 2008, doanh số TV bán được của Samsung tăng vọt 31%. Năm ngoái, hãng này bán được giá trị TV lên tới 26 tỷ USD, kiểm soát 22,1% thị phần TV toàn cầu, bỏ xa các đối thủ khác như LG Electronics (14,1%) và Sony (11,9%).

Thế nên cũng chẳng có gì lạ khi thế giới công nghệ lắng nghe những gì mà “Ngài TV” nói ra. Tháng Một vừa qua, Yoon có bài diễn văn quan trọng tại triển lãm CES 2011 ở Las Vegas, đứng cạnh Giám đốc Tiếp thị của hãng phim Dreamworks danh tiếng. Ông cũng tổ chức một cuộc họp báo với Tổng Giám đốc điều hành Brian Roberts của Comcast để công bố dịch vụ TV Xfinity chạy trên nền máy tính bảng Samsung Galaxy Tab và TV “thông minh” Samsung.

Nhưng đằng sau tất cả những hào quang phù hoa đó, Yoon, năm nay 58 tuổi, vẫn “toàn tâm toàn ý” cho vai trò kỹ sư điện tử. Ông thích mặc chiếc áo gió đồng phục của hãng hơn là bộ vest chỉn chu đến văn phòng, thích đi hiện trường hơn là ngồi trong phòng máy lạnh làm việc. “Tôi cố mọi cách để không phải tổ chức các cuộc họp. Chỗ của tôi là trong nhà xưởng và tôi thích đưa ra quyết định tại trận. Tài liệu chỉ là hình thức”, ông tuyên bố.

Duy trì ngôi đầu là một thách thức thường trực của Yoon. TV LED đã thành công rực rỡ, nhưng triển vọng của TV 3-D thì không mấy rõ ràng. Đầu năm ngoái, Samsung từng dự đoán sẽ bán được 2 triệu TV 3-D trong năm 2010 và nâng con số dự đoán lên 2,6 triệu vào mùa hè, nhưng chung cuộc cả năm, hãng chỉ bán được xuýt xoát 2 triệu máy. Các nhà sản xuất Trung Quốc đầy tham vọng và gai góc cũng luôn là mối đe dọa tiềm ẩn, dù lúc này họ chưa tạo được nhiều ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, có ai đảm bảo rằng Samsung và các đại gia Hàn Quốc sẽ đủ sức sáng tạo để mà cạnh tranh trường kỳ cơ chứ?

Điểm sáng hiện tại trong công việc làm ăn của Samsung vẫn là TV LED. Ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2009, hiện tại Samsung là hãng thống trị hạng mục này với thị phần áp đảo. Yoon thậm chí còn dự đoán năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử doanh số của TV LED sẽ vượt qua cả TV LCD. TV LED sử dụng đèn nền diode tự phát sáng, thay vì bóng đèn huỳnh quang truyền thống của LCD. Nhờ đó, chúng mỏng hơn đáng kể và tiết kiệm 40% điện năng so với TV LCD.

Điều đáng nói là cũng giống như Microsoft trên địa hạt phần mềm, Samsung vươn lên “nóc nhà” của ngành công nghiệp TV dù không phải là hãng phát minh ra những sản phẩm hot đầu tiên. Lấy thí dụ, chính Sony mới là hãng đầu tiên tung ra thị trường TV LED vào năm 2004. Lợi thế của Samsung là ban quản lý quyết đoán, hoạt động sản xuất hiệu quả và tính hợp tác, liên thông chặt chẽ giữa các bộ phận với nhau. Hãng thiên về việc phát minh các bộ phận nhỏ (những con chip nhanh hơn, màn hình mỏng hơn), hơn là đi tiên phong cho các chủng loại sản phẩm mới – như cách của Apple và Sony đang làm.

Lý giải cho sự thiếu đột phá này, một phần nguyên nhân có thể là do hệ thống trường học tại Hàn Quốc, vốn luôn bị chỉ trích là kìm nén tính cá nhân và sáng tạo. Ngoài ra, nền văn hóa Hàn Quốc cũng bị chê là khuôn mẫu, cứng nhắc và không cởi mở với sự đa dạng.

Tuy nhiên, liệu có thực sự cần thiết là Samsung phải tự mình phát minh ra nhiều sản phẩm hay không? Nguy hiểm là ở chỗ Samsung có thể phát minh lệch hướng, nên tốt nhất, họ cứ trung thành với những gì mình đang làm tốt”, Tony Michell, tác giả cuốn sách “Samsung Electronics và cuộc chiến dẫn đầu trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu” bình luận. “Thế mạnh truyền thống của họ là sản xuất các linh kiện rồi ráp nối lại với nhau, cũng như có nguồn vốn đầu tư hùng hậu hậu thuẫn”.

Triết lý kinh doanh của Yoon có thể tóm gọn trong 3 điểm: Đầu tiên là tốc độ, một yếu tố vốn rất nổi tiếng ở Samsung. Yoon đã thay đổi ý niệm về thời điểm quá trình phát triển sản phẩm hoàn tất. Trong quá khứ, đó là khi khối nghiên cứu chuyển giao bản vẽ cho nhà máy sản xuất. Nhưng khi Yoon nói “Đã xong”, đó là khi sản phẩm phải có mặt tại các cửa hàng, bên trên các kệ hàng.

Yếu tố thứ hai là cạnh tranh về giá. Hiện tại, Samsung chủ yếu sản xuất các sản phẩm cao cấp song Yoon vẫn rất quan tâm đến giá thành. Sản xuất số lượng lớn nhất, đồng thời tự sản xuất nhiều linh kiện giúp cho Samsung đẩy giá thành xuống mức thấp nhất có thể. “Trước đây, tôi từng nghĩ nếu giảm giá thì chất lượng cũng phải đi xuống. Nhưng giờ đây, chúng tôi vừa có thể cải tiến chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí”, Yoon chia sẻ.

Điểm thứ ba là khác biệt – tạo ra một sản phẩm mà các hãng khác không dễ gì sao chép được. Trong một cuộc thăm dò trước đây, người dùng cho biết họ mong muốn một chiếc TV dày chưa đến 30mm. Các chuyên gia thiết kế của Samsung lập tức trả lời rằng họ không thể ép xuống dưới 40mm được. Tuy nhiên, Yoon chỉ đáp lại ngắn gọn: “Được hoặc là nghỉ”. Chính nhờ sự quyết liệt đó mà Samsung trở thành hãng duy nhất sản xuất đại trà các mẫu TV có chiều dày đúng 29,99mm, đủ mỏng để có thể treo lên tường như tranh.

Không chỉ phụ trách bộ phận TV, Yoon còn là Giám đốc Trung tâm Thiết kế của Samsung và là người đứng đầu “Nhóm hành động Hội tụ”. Nói cách khác, ông là trái tim của mọi nỗ lực kết nối, liên thông toàn bộ thiết bị của Samsung với nhau. Lợi thế của Samsung chính là việc họ nhúng tay vào gần như tất cả các thị trường. Họ có TV, điện thoại, đồ điện gia dụng.

Quan trọng hơn, tất cả các thiết bị này giờ đây đều có thể “trò chuyện” với nhau. Khách tham quan Sảnh Trưng bày của Samsung có thể chứng kiến những chiếc máy ảnh số bắn ảnh không dây lên màn hình TV, còn màn hình TV thì được cài đặt Adobe AIR, cho phép duyệt web một cách hoàn hảo như trên máy tính.

Ông Yoon Boo-Keun.

Mẫu TV thông minh đầu tiên của Samsung ra đời vào năm 2007. Nó có thể tìm kiếm Internet và cho phép chơi game, mở các ứng dụng di động thông qua đầu thu kỹ thuật số. Hiện tại, Samsung đã phát triển tới 400 ứng dụng dành cho TV thông minh và đặt kế hoạch tiêu thụ 12 triệu máy trong năm nay. Tuy vậy, Yoon vẫn một mực khẳng định TV thông minh hoàn toàn khác với PC: nếu như PC ra đời để làm việc thì TV mang lại niềm vui và sự giải trí. “Chúng tôi muốn biến TV thành trái tim của mọi ngôi nhà”, đó chính là mục tiêu tối thượng của tất cả các nhân viên dưới quyền Yoon.

Ít ai biết rằng Yoon chỉ được xem TV lần đầu tiên vào năm 17 tuổi. Ông sống cả thời thơ ấu trong nghèo khó trên đảo Ulleung-do, một trong những vùng nghèo nhất Hàn Quốc. Bố mẹ ông muốn con trở thành bác sĩ để thoát nghèo, nhưng cậu bé Yoon lại nuôi trong mình một tham vọng khác. Cậu mơ đến một thế giới tự do và thoải mái, khi cả làng không phải nghe nhờ chiếc đài cổ lỗ duy nhất của trưởng làng nữa. Cậu mơ về những “thiết bị hiện đại”.

Vì thế, thay vì đăng ký vào khoa dược, Yoon đã nhập học tại khoa Kỹ sư điện tử của trường Đại học Hanyang. Và khi phải lựa chọn con đường sự nghiệp, trong nhóm tam đại gia Samsung, Hyundai và Lucky Goldstar, chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Yoon đã quyết định gắn bó với Samsung. “Lúc đó, Hàn Quốc đang khá bất ổn. Tôi nghe người ta nói nếu có gì bất trắc xảy ra, nhiều công ty không có tiền để trả lương và họ sẽ dùng sản phẩm để trả cho người lao động. Samsung là công ty duy nhất không làm như thế, hóa ra lời đồn lại đúng sự thật”, Yoon nhớ lại.

Với tài năng của mình, Yoon nhanh chóng được chú ý. Năm 1986, ông giành được giải thưởng toàn công ty sau khi thiết kế một đầu thu video cassette hệ PAL. Yoon từng được phân công làm việc ở rất nhiều bộ phận khác nhau: sản xuất, mua bán, xây dựng nhà máy tại nước ngoài. Thời gian này, ông kết thân với Choi Gee-sung, một chuyên gia marketing ở hãng. Năm 2009, Choi trở thành Tổng giám đốc của Samsung Electronics.

Theo các chuyên gia, còn một nhân tố nữa đằng sau bước nhảy vọt thần tốc của Samsung. Êkip lãnh đạo cấp cao luôn đưa ra quyết định cực nhanh. Khi Samsung đã vươn lên được ngôi vị nhà sản xuất bán dẫn số 1 thế giới, nắm thị phần lớn trên thị trường ĐTDĐ và sản xuất đủ mọi thiết bị điện tử gia dụng, Chủ tịch tập đoàn Lee Kun-Hee lại quyết định TV mới là mối ưu tiên hàng đầu. Đó là vào năm 2006.

Các nguồn lực chính lập tức được dồn cho bộ phận TV. Các kỹ sư vắt óc thiết kế một cấu trúc cả-hệ-thống-trên-một-con-chip (SOC) dành riêng cho TV. SOC tích hợp toàn bộ cấu phần của một hệ thống vào trong một con chip duy nhất, thống nhất phần cứng với phần mềm, tiết giảm chi phí. Nhờ vậy, Samsung nhanh chóng “tách nhóm” khỏi các đối thủ, bởi các hãng khác không đủ năng lực để phát triển linh kiện. Họ chỉ tạo ra các sản phẩm hoàn thiện mà thôi.

Đương nhiên, Yoon chính là người phụ trách việc thực thi SOC và nhờ có quyết tâm của Chủ tịch Lee mà Yoon tha hồ “hô phong hoán vũ”. Nhưng đó cũng là giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc đời của ông. “Các cuộc họp diễn ra cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi không được phép dừng lại thở dù chỉ một phút. Tôi và nhiều lãnh đạo đồng nghiệp trở thành khách ruột của các quán ăn đêm. Thường thì chúng tôi phải uống hơi say một chút để có thể chợp mắt được trong thời gian còn lại của đêm, nếu không hẳn sẽ phát điên vì stress”, Yoon hồi tưởng.

Nhưng thành quả đạt được đủ để xoa dịu thời gian khổ sở đó. Doanh số tăng vọt. Từ năm 2000 đến năm 2006, doanh thu từ bán TV đã tăng gấp 4 lần. Dòng TV LCD mang tên “Bordeaux” lấy cảm hứng từ ly rượu vang trứ danh nước Pháp trở thành một trong những chiếc TV bán chạy nhất thế giới. Samsung đã hạ bệ thành công Sony, hãng nắm giữ ngôi vị Nhà sản xuất TV số 1 thế giới trong suốt 3 thập kỷ trước đó.

Cố nhìn thế giới bằng 3-D

Năm ngoái, Samsung Electronics tuyên bố: “3-D sẽ đồng nghĩa với Samsung”. Dù thành tích 2 triệu TV bán được là khá nhất trong số các hãng TV, song rõ ràng là thị trường này chưa tăng trưởng nóng như người ta kỳ vọng. Cũng giống như điện ảnh 3-D, TV 3D phải đối mặt với một số rào cản.

Thứ nhất, chưa có nhiều nội dung 3-D để mà thưởng thức, vì thế từ cuối năm nay, Samsung sẽ bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với hãng: Cung cấp nội dung. Samsung sẽ khai trương một kênh truyền hình cáp 3-D tại Mỹ. Hãng cũng tích cực hỗ trợ các nhà sản xuất: Năm ngoái, Samsung hỗ trợ tài chính và tiếp thị cho bộ phim hoạt hình bom tấn Megamind của hãng DreamWorks. Theo như ngôn ngữ của Yoon thì đấy là Samsung đang “xây dựng nên một hệ sinh thái 3-D”.

Một rào cản khác nữa là chuẩn 3-D. Muốn thưởng thức hiệu ứng 3D rõ rệt nhất, người xem phải đeo một loại kính đặc biệt. Samsung và các hãng công nghệ Nhật Bản đang theo đuổi loại kính “chủ động” đắt tiền, trong khi LG và giới công nghệ Trung Quốc lựa chọn loại kính “bị động” rẻ hơn. Một dạng TV 3D thứ ba cho phép xem không cần kính nhưng chỉ từ một góc nhìn nhất định, vì thế không phù hợp cho cả gia đình quây quần cùng xem.

Mặc dù vậy, Yoon vẫn tự tin rằng doanh số 3-D sẽ sớm được cải thiện. “Tôi tin thị trường toàn cầu sẽ tăng từ mức trên 3 triệu máy bán được lên gần 100 triệu máy vào năm 2014, chiếm gần như toàn bộ số TV trên 40-inch tại thời điểm đó. Và như thường lệ, Samsung sẽ lại nắm giữ thị phần áp đảo”.

 

TRỌNG CẦM (THEO FORBES)

Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

 

CÁC TIN KHÁC

Hình thành trung tâm khởi nghiệp ở miền Trung

Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng được đánh giá lạc quan nhưng quy mô còn nhỏ

Ra mắt vườn ươm khởi nghiệp TechYouth

TechYouth Incubator là chương trình ươm tạo startup đầu tiên do sinh viên sáng lập và vận hành dành cho các dự án của người trẻ từ 18 đến 25 tuổi.

Tỉ phú Jack Ma: ‘Dạy con vượt qua thất bại quan trọng hơn gấp trăm lần với dạy con ngoan’

[Ideasplus.vn] Jack Ma hi vọng các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục hãy cho trẻ em thêm nhiều cơ hội để học cách giải quyết vấn đề và chấp nhận thất bại.

Du lịch Việt hồi sinh mạnh mẽ sau Covid-19, cơ hội mở cho nhân lực chuyên ngành

Sau thời gian gần như “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch bệnh, du lịch trong nước đang có những bước tái khởi động mạnh mẽ. Đây được coi là giai đoạn thách thức đối với các doanh nghiệp, nhất là khi phải tái cơ cấu lại bộ phận nhân sự. Tuy nhiên, thời điểm này lại là cơ hội cho nhân sự trẻ nhất là với những người đã được đào tạo chuyên ngành bài bản.

Chung kết Cuộc thi English Olympics of Vietnam 2019

IDEASTIME.VN - Sáng ngày 8/12/2019, Chung kết Olympics tiếng Anh Việt Nam 2019 (EOV 2019) được tổ chức tại Đại học Marketing Tp. Hồ Chí Minh, đơn vị đăng cai tổ chức giải thi đấu đầu tiên.

Cuộc thi English Olympics of Vietnam 2019 tổ chức sơ tuyển tại Tp. Hồ Chí Minh

IDEASTIME.VN | VIETKINGS - Sáng ngày 8/11, Vòng sơ tuyển Offline đợt I của Cuộc thi Olympic Tiếng Anh tại Việt Nam 2019 (English Olympics of Vietnam 2019, EOV 2019) được tổ chức tại Đại học Tài chính – Marketing (P.Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM).

Bài viết nổi bật

Đại học Sư phạm TP.HCM ‘bắt tay’ doanh nghiệp công nghệ Việt thúc đẩy chuyển đổi số

Theo hợp tác mới ký kết với Viettel Solutions, Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ cùng doanh nghiệp này xây dựng các giải pháp công nghệ trong giáo dục tập trung vào 4 nội dung chính.

Nhóm sinh viên trường ĐH Ngoại thương giành giải ‘Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng’

Ngày 12/6, tại Học viện Tài chính diễn ra Chung khảo Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc 'Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng' lần thứ VII, năm 2022. Ban Giám khảo đã chọn ra nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh giành giải Đặc biệt.

Bài viết mới nhất

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.62) Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng): Tinh hoa kiến trúc Kinh-Khmer-Hoa – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Là một ngôi chùa cổ của người Khmer, chùa Kh’Leang là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Với phong cách kiến trúc – điêu khắc không chỉ thuần Khmer mà còn thể hiện sự giao thoa với văn hóa Hoa – Việt, chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là một trong những điểm đến của du khách, khi ghé thăm Sóc Trăng.

Mr Đàm lập Kỷ lục với thành tích biểu diễn 18 mashup từ 62 ca khúc: “Phải tập trung cao độ, không được lơ mơ”

(Kyluc.vn) Vào tối ngày 04.5.2024 tại Trung tâm Hội nghị Thiskyhall Sala tại TP.Thủ Đức diễn ra liveshow "Ngày Em Thắp Sao Trời" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Tại đây Mr.Đàm cùng các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc hoàng tráng. Đặc biệt với 18 bài mashup từ 62 ca khúc trữ tình nổi tiếng của làng nhạc Việt, ông hoàng của làng nhạc Việt đã thiết lập kỷ lục Việt Nam lần thứ 3 trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

[WOWTIMES – VIETKINGS] Đại học Công nghiệp Hà Nội (1898-2024) – Truyền thống kỹ nghệ trăm năm – Top 100 đơn vị còn hoạt động tại Việt Nam

Trải qua gần 126 năm hình thành và phát triển, tính đến nay Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang chứng minh được vị thế của mình trên con đường phát triển học thuật cũng như đào tạo nguồn chất lượng cao cho nước nhà trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

TOP 5 khu chợ đặc trưng ba miền của Việt Nam được nhiều người biết đến – 50 TOP các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam 2024 (P.10) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

(kyluc.vn) Không ai biết chính xác chợ đươc hình thành từ khi nào, có bao nhiêu cái chợ và bao nhiêu loại chợ búa khác nhau ở Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn rằng chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế đơn thuần mà còn biểu hiện văn hóa Việt Nam một cách đậm nét.

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.61) Nhà trăm cột (Long An): Kiến trúc nhà Rường giữa miền Tây – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nhà Trăm cột là công trình kiến trúc điêu khắc cổ xây dựng theo lối nhà Rường đặc trưng của xứ Huế. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà vẫn được các hậu duệ của chủ nhân ngôi nhà gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Việt Nam có 1 loại “nấm trường thọ” chứa hơn 400 dưỡng chất quý giá

Đây là một loại dược liệu quý giúp bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa một số loại bệnh và tăng cường tuổi thọ.