Trang chủ Tin tức VIETKINGS giới thiệu và công bố Top 100 đơn vị trên trăm...

VIETKINGS giới thiệu và công bố Top 100 đơn vị trên trăm tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần I – Công bố Đợt 2 – Năm 2023)

(KỶ LỤC - WOWTIMES) Hành trình tìm kiếm và vinh danh Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp cùng Tổ chức Niên lịch và Thành tựu Việt Nam (WowTimes), đơn vị trực thuộc TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam triển khai nhằm tìm kiếm, xác lập Niên lịch các đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển từ 100 năm trở lên, đồng thời ghi nhận Thành tựu mà các đơn vị đã cống hiến và đạt được xuyên suốt trong quá trình hoạt động.

Tiếp theo Top 20 Đơn vị đã được công bố tại Đợt 1, dưới đây là phần công bố – Đợt 2 năm 2023, với các đơn vị trong lĩnh vực Giáo dục và Y tế.

 

21. TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ – HOÀN KIẾM (HÀ NỘI): 116 NĂM (1907 – 2023)

Trường THPT Trần Phú vốn là trường Petit Lycée do kiến trúc sư C.G. Lichtenfelder thiết kế, được xây dựng năm 1907. Ban đầu đây là trường tiểu học dành cho nữ, sau thành trường trung học. Năm 1960, trường chia thành hai ca học, buổi sáng là trường THPT Hoàn Kiếm, buổi chiều là trường THPT Trần Phú. Năm 1995, hai trường sáp nhập, lấy tên là trường THPT Trần Phú. Đến tháng 2/2009 trường đổi tên thành THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm.

 

Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm là ngôi trường hơn trăm tuổi, nơi cất giữ ký ức biết bao thế hệ học trò của Thủ đô. (Ảnh: thpttranphuhk.hanoi.edu.vn)

 

Là ngôi trường với bề dày lịch sử trên trăm năm, Trường Trần Phú- Hoàn Kiếm là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh Thủ đô. Đây cũng là ngôi trường có nhiều nhân vật đặc biệt theo học và trưởng thành như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Trường Chinh, Giáo sư Hồ Đắc Di, nhà văn Thạch lam, Khái Hưng, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Hoàng Chương…

Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm không chỉ nổi tiếng với lịch sử lâu đời và chất lượng giáo dục hàng đầu mà là ngôi trường được đánh giá rất cao trong số các trường trung học phổ thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Cùng với trường THPT Việt Đức, THCS Trưng Vương, THPT Phan Đình Phùng, THPT Chu Văn An, trường cấp 3 Trần Phú- Hoàn Kiếm được xếp vào top 5 ngôi trường hàng trăm tuổi, là nơi cất giữ ký ức của biết bao thế hệ học trò của thủ đô.

 

22. TRƯỜNG THPT CHÂU VĂN LIÊM (CẦN THƠ) – 106 NĂM (1917 – 2023)

Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm, tiền thân là Collège de Cần Thơ và Trường Trung học Phan Thanh Giản là ngôi trường lâu đời nhất ở Cần Thơ, được bắt đầu xây dựng từ năm 1917 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1921. Qua nhiều lần thay tên gọi, đến tháng 11/1985, trường chính thức mang tên Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm.

 

Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm xưa và nay. (Ảnh: thptchauvanliem.vn)

 

Liên tục từ năm 1975 đến nay, trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến dẫn đầu tỉnh nhà về thành tích dạy tốt học tốt và các hoạt động văn nghệ, thể thao xuất sắc.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng với tên gọi nào, thầy và trò nhà trường cũng luôn giữ vững thành tích đạt được trong sự nghiệp trồng người. Sự có mặt của trường Châu Văn Liêm từ khi thành lập đến nay đã được ghi nhận như một “Chứng nhân” của sự phát triển văn hoá giáo dục miền đồng bằng đôi bờ sông Hậu.

 

23. TRƯỜNG THPT TRƯNG VƯƠNG (TP. HỒ CHÍ MINH) – 106 NĂM (1917 – 2023)

Trường THPT Trưng Vương là ngôi trường có lịch sử đặt biệt. Trường Trưng Vương Sài Gòn hiện nay là hậu thân của ngôi trường Trưng Vương Hà Nội được thành lập vào năm 1917. Khi ấy, Trưng Vương Hà Nội với tên gọi là trường nữ sinh Đồng Khánh là ngôi trường thơ mộng nằm ngay bên cạnh Hồ Gươm. Năm 1954, trường Trưng Vương Sài Gòn được thiết lập khi một số giáo viên học sinh trường Trưng Vương Hà Nội di cư vào Sài Gòn sau Hiệp định Genève 1954.

 

Trường THPT Trưng Vương – ngôi trường với lịch sử hình thành đặc biệt từ Hà Nội đến Sài Gòn. (Ảnh: thpttrungvuong.hcm.edu.vn)

 

Ngoài hoạt động dạy học, trường có nhiều câu lạc bộ học thuật, rèn luyện thể chất, nhằm tạo cho học sinh một sân chơi lành mạnh, nơi học sinh có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau ở các bộ môn chính khóa hoặc các bộ môn năng khiếu, nghệ thuật. Đồng thời, tổ chức những tiết học phụ đạo nhằm giúp đỡ, hỗ trợ học sinh yếu, chưa theo kịp các bạn được củng cố kiến thức kĩ năng làm bài tập để các em có thể cải thiện được kết quả học tập ở bản thân mình.

Trường THPT Trưng Vương ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc đặc trưng từ thời Pháp. Những khung cửa sổ gỗ cao màu xanh lá nổi bật trên nền tường vàng. Mái ngói đỏ sẫm trầm mặc qua thời gian càng tôn lên nét đẹp cổ kính của ngôi trường. Từng chi tiết nhỏ như: mái vòm, rui mè, họa tiết ở những cánh cổng cầu thang… vẫn giữ nguyên kết cấu, kiểu dáng ban đầu. Trải qua những khó khăn từ thời kỳ đất nước chiến tranh đến những bước chuyển mình ngoạn mục của nước nhà về kinh tế, giáo dục, trường THPT Trưng Vương vẫn luôn vững vàng trên bước đường dìu dắt các thế hệ học trò.

 

24. TRƯỜNG THCS THANH QUAN (HÀ NỘI) – 115 NĂM (1908 – 2023)

Trường THCS Thanh Quan – tiền thân là Trường nữ sinh tiểu học Pháp – Việt được thành lập ngày 06/01/1908. Nằm trên phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm) tấp nập, Trường THCS Thanh Quan vẫn giữ nguyên vẻ đẹp kiến trúc như cách đây hơn thế kỷ khi còn mang tên Ecole Brieux. Các thế hệ thầy cô giáo và học sinh nhà trường luôn phấn đấu dạy tốt và học tốt với khẩu hiệu: “Tự hào truyền thống trăm năm, chắp cánh ước mơ tươi sáng”.

 

Trường THCS Thanh Quan là một trong số ít những ngôi trường có tuổi đời hơn 100 năm vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp giữa lòng thủ đô. (Ảnh: thcsthanhquan.net)

 

Trong những năm gần đây trường được đánh giá là trường xuất sắc trong phong trào thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận và Thành phố. Trường cũng luôn đứng đầu trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi và có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi Học sinh giỏi các cấp…Với những cố gắng nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, trường THCS Thanh Quan vinh dự là ngôi trường đầu tiên trong khối THCS của quận Hoàn Kiếm được công nhận là Trường Chuẩn Quốc gia.  

Hiện nay, trường THCS Thanh Quan có diện tích hơn 3.200m2, trên 20 phòng học và các phòng chức năng.

Trải qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Trường nữ sinh tiểu học Brieux xưa và THCS Thanh Quan nay đã có nhiều thay đổi về cơ cấu, phương pháp, hình thức giáo dục nhưng truyền thống hiếu học thì vẫn mãi luôn được giữ gìn và phát huy.

 

25. TRƯỜNG THCS TRƯNG VƯƠNG (HÀ NỘI) – 106 NĂM (1917 – 2023)

Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, tiền thân là Trường nữ sinh Đồng Khánh được thành lập từ năm 1917. Suốt hơn một thế kỷ qua, Đồng Khánh xưa và Trưng Vương nay luôn rạng ngời truyền thống Yêu nước – Dạy hay – Học tốt.

 

Một số hành ảnh của Trường THCS Trưng Vương xưa. (Ảnh: thcstrungvuong.hoankiem.edu.vn)

 

Nằm trên một nền đất vuông vức ngay ngã tư phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội (thời Pháp là đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau), Trường THCS Trưng Vương được nhiều thế hệ người Hà Nội nói chung và giới học sinh nói riêng tự hào nhắc tới như một ngôi trường nổi tiếng đào tạo nữ sinh Việt Nam và là một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô.

 

Hơn một thế kỷ qua, Trường THCS Trưng Vương vẫn luôn thực hiện tốt sứ mệnh là chiếc nôi nuôi dưỡng những nhân tài cho đất nước. (Ảnh: thcstrungvuong.hoankiem.edu.vn)

 

Trường Trưng Vương nổi tiếng với hệ thống lớp chuyên Toán cấp II, đây là nơi từng đào tạo nhiều tài năng Toán học của Việt Nam như Giáo sư Hoàng Xuân Sính (nữ tiến sĩ khoa học ngành Toán đầu tiên của Việt Nam), Hoàng Lê Minh (học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế), Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Bảo Châu nhà toán học nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán…

Xuyên suốt hàng trình xây dựng và phát triển, với sứ mệnh đào tạo học sinh trường THCS Trưng Vương trở thành những công dân toàn cầu mang bản sắc dân tộc, trường đã trở thành cái nôi ươm mầm cho những mầm non tương lai đất nước, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.

 

26. TRƯỜNG TIỂU HỌC AN PHƯỚC (ĐÀ NẴNG) – 115 NĂM (1908 – 2023)

Ra đời từ phong trào Duy Tân, Nghĩa Thục An Phước, nay là Trường Tiểu học An Phước được xem như hạt giống đầu tiên gieo mầm học cho vùng đất phía Tây Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hơn thế kỷ trước. Trường An Phước nguyên là lớp học chữ Nho cho con em làng Cẩm Toại, do ông Tú Lâm Hữu Mẫn, nguyên Bang tá Tỉnh ủy của Nghĩa hội Quảng Nam, mở từ năm 1888. Đến năm 1908, sau khi nổ ra phong trào “kháng sưu, chống thuế” ở Đại Lộc rồi lan rộng ra vùng phía Tây Hòa Vang, trường được dời về xóm Đình bên Tỉnh lộ 102, nay là Quốc lộ 14B và chuyển hẳn sang dạy Quốc ngữ.

 

Trường Tiểu học An Phước – ngôi trường ra đời từ phong trào Duy Tân, Nghĩa thục. (Ảnh: edu.viettel.vn/dng-hoavang-thanphuoc)

 

Trước quá trình phát triển và hội nhập của đất nước và yêu cầu giáo dục ngày càng cao, trường Tiểu học An Phước đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, điển hình là việc triển khai các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học. Trải qua hơn 100 năm, Trường Tiểu học An Phước đã được công nhận trường chuẩn quốc gia năm 2001. Trường đã đi qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, từ một trường dân lập tranh tre nhỏ bé với 20 học sinh ở thôn Cẩm Toại, trường đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục cả nước, đào tạo ra hàng trăm nhân tài cho quê hương, đất nước.

 

27. THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM (HÀ NỘI) – 106 NĂM (1917 – 2023)

Thư viện Quốc gia Việt Nam được thành lập ngày 29/11/1917, tiền thân là Thư viện Trung ương Đông Dương. Từ khi mới thành lập đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã trải qua 106 năm phát triển với những thành tựu vô cùng to lớn, trở thành nơi lưu giữ nguồn tri thức thực sự tin cậy, thân thiết của bạn đọc trong và ngoài nước, tạo dựng được uy tín và vị thế xứng đáng trong cộng đồng thư viện Việt Nam, khu vực và thế giới.

 

Từ khi thành lập đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam luôn không ngừng phấn đấy để trở thành nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện của bạn đọc trong và ngoài nước. (Ảnh: nlv.gov.vn)

 

Hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã được trang bị một hệ thống trang thiết bị tương đối hiện đại và đồng bộ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu xã hội như: Các phòng phục vụ bạn đọc, phòng làm việc cán bộ, cảnh quan, kho tàng khang trang sạch, đẹp… hiện hạ tầng cơ sở đang được khai thác khá hiệu quả. Thư viện hiện có hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và bộ sưu tập số khoảng 8 triệu trang tài liệu do TVQG tạo lập với nhiều bộ sưu tập khác nhau.

Bên cạnh đó, Thư viện Quốc gia Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động ý nghĩa trong nước và hợp tác quốc tế. Gần đây nhất là sự kiện phối hợp với Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Toà nhà Quốc hội Hungary”; tổ chức Trưng bày chuyên đề “Sáng mãi tên Người – Hồ Chí Minh”; Ngày Hội sách và Văn hoá đọc năm 2022; … Các sự kiện đều thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

 

28. THƯ VIỆN KHOA HỌC TỔNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (TP. HỒ CHÍ MINH) – 155 NĂM (1868 – 2023)

Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là Thư viện các Đô đốc, Tống đốc Nam Kỳ (hay Tư viện Soái phủ Nam Kỳ) được thành lập năm 1868 theo sắc lệnh của Phó Đô đốc Ohier. Năm 1882, Thư viện đổi tên thành Thư viện Tư liệu Chính phủ Nam Kỳ thuộc Pháp và trở thành Thư viện Công cộng đầu tiên của Việt Nam.

 

Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – thư viện công cộng đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: thuvientphcm.gov.vn)

 

Bên cạnh việc hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính được giao, Thư viện còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kết nối các thế hệ học sinh, sinh viên. Năm 2008, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã xác lập kỷ lục “Bức tranh Vẽ bằng màu sáp màu dài nhất Việt Nam” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận.

Thư viện được xem là điểm đến yêu thích của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và người dân Thành phố. Trong mỗi bước phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện luôn nỗ lực để đảm đương vai trò và trọng trách của mình, là trung tâm văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường, hỗ trợ việc học tập suốt đời của người dân thành phố, tổ chức các dịch vụ, hoạt động nhằm đáp ứng nhanh, chính xác, hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí.

 

29. BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI (TP. HỒ CHÍ MINH) – 162 NĂM (1861 – 2023)

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nằm tại số 764 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán tọa lạc trên một khu đất rộng gần 5 hecta tại làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn, phía trước có kênh Người Hoa (Arroyo Chinois) chảy qua nay gọi là kênh Tàu Hủ. Hiện nay bệnh viện là cơ sở y tế điều trị và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

 

Một số hình ảnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xưa. (Ảnh: bvbnd.vn)

 

Theo nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử tìm kiếm được thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ra đời năm 1862. Tuy nhiên, gần đây, theo các tài liệu do phía Bệnh viện tìm kiếm và cung cấp mới nhất thì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ra đời sớm hơn 1 năm, đó là năm 1861. Ngày 13/02/1861, bệnh viện chính thức mở cửa đón bệnh nhân. Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức ghi nhận Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là Bệnh viện lâu đời nhất tại Việt Nam.

 

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam. 

 

Bệnh viện có 10 phòng chức năng, 17 khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng, với tổng số 736 nhân viên y tế. Nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm cao với nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II của BV là yếu tố quan trọng giúp bệnh viện thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu khám, điều trị các loại bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm, không ngừng phát triển các phương tiện xét nghiệm kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, góp phần quan trọng trong chữa trị và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Dù là bệnh lưu hành như: dịch tả, dịch hạch, sốt rét, thương hàn, lỵ, bạch hầu, uốn ván, HIV/AIDS, sốt xuất huyết, Viêm gan siêu vi, nhiễm não mô cầu,…hoặc bệnh nhiễm trùng mới nổi như cúm H1N1, H5N1, bệnh tay chân miệng, Ebola, v.v.. đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đều không phụ lòng mong đợi của cộng đồng khi kịp thời nghiên cứu, cấp cứu điều trị, giảm thiểu hậu quả trong phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

 

30. BỆNH VIỆN BẠCH MAI (HÀ NỘI) – 112 NĂM (1911 – 2023)

Bệnh viện Bạch Mai được thành lập năm 1911 với tên gọi ban đầu là Nhà thương Cống Vọng. Hiện là một trong những bệnh viện lớn nhất của Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong nước được nhận danh hiệu đặc biệt với 56 đơn vị, với quy mô 3200 giường bệnh và hơn 4000 cán bộ nhân viên y tế, tất cả trưởng khoa, giám đốc các trung tâm đều có trình độ sau đại học.

 

Bệnh viên Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trên của nước được xếp hạng đặc biệt. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

 

Hàng năm bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh và điều trị cho gần 2 triệu bệnh nhân ngoại trú và 165.000 bệnh nhân nội trú. Với sự nỗ lực và cố gắng của mình trong suốt chặng đường phát triển, bệnh viện Bạch Mai đã tạo được uy tín và thương hiệu riêng, là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của nhân dân cả nước. Đảm nhiệm chức năng là tuyến kỹ thuật cao nhất, Bệnh viện Bạch Mai có vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Với mô hình kết hợp Viện – Trường, hơn 200 cán bộ Trường đại học Y Hà Nội vừa tham gia giảng dạy, đồng thời làm chuyên môn, quản lý tại các đơn vị trực thuộc Bệnh viện. Mô hình đào tạo liên tục cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai đã và đang được áp dụng rộng khắp tới hầu hết các tỉnh thành phía Bắc và cả nước.

Ngoài hoạt động khám và chữa bệnh cho người dân, bênh viện Bạch Mai luôn tích cực trong công tác hoạt động xã hội, tổ chức các chương trình tình nguyện, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn cũng như tổ chức hỗ trợ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh nhỏ. Trong suốt hơn 2 năm dịch Covid- 19 xuất hiện ở nước ta, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế cùng bệnh viện đã đồng lòng và có những đóng góp vô cùng to lớn trong công tác đẩy lùi dịch bệnh của đất nước.

 

31. BỆNH VIỆN MẮT TRUNG ƯƠNG (HÀ NỘI) – 106 NĂM (1917 – 2023)

Năm 1917, bệnh viện Mắt Trung ương được thành lập tại Hà Nội với quy mô 50 giường bệnh, lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, người dân quen gọi là “Nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà”, chỉ có vài bác sỹ, được trang bị thô sơ, khám và điều trị các bệnh mắt thông thường. Sau 106 năm phát triển, bệnh viện đã có nhiều sự thay đổi lớn. Là đơn vị đầu ngành Nhãn khoa tại Việt Nam, Bệnh viện Mắt Trung ương ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu ngang tầm thế giới, như: Phẫu thuật đục thể thuỷ tinh (Phaco), ghép giác mạc lớp sâu, lác, sụp mi, glôcôm, tạo hình thẩm mỹ, cắt dịch kính, bong võng mạc, laser điều trị tật khúc xạ..

 

Bệnh viện Mắt Trung ương tiền thân là nhà thương chữa mắt nhỏ được thành lập từ năm 1917, thường được người dân gọi là Nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà. (Ảnh: vnio.vn)

 

Bệnh viện Mắt Trung ương có nhiệm vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng về Mắt cho bệnh nhân trong cả nước ở tuyến cao nhất. Ngoài công tác khám chữa bệnh, bệnh viện còn tham gia các nghiên cứu khoa học về mắt trong nước và quốc tế, đào tạo cán bộ chuyên ngành, là cơ sở thức hành của trường Đại học Y Hà Nội. Tổ chức các hội nghị, hội thảo các lớp học quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi của bệnh viện quản lý theo quy định về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam của thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm qua, Bệnh viện Mắt Trung ương không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chung sức xây dựng Bệnh viện Mắt Trung ương phát triển theo hướng “Khoa học – Dân tộc – Hiện đại và Nhân văn”.

 

32. BỆNH VIỆN PHẠM NGỌC THẠCH (TP. HỒ CHÍ MINH) – 117 NĂM (1906 – 2023)

Năm 1906, Bệnh viện Hồng Bàng – tiền thân của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch được thành lập, là cơ sở duy nhất của miền nam điều trị nội trú bệnh nhân lao lúc bấy giờ. Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng, bệnh viện hiện là nơi hoạt động nghề nghiệp của một tập thể 911 nhân viên y tế có tay nghề cao cả nội và ngoại khoa trong lĩnh vực lao và bệnh phổi, đặc biệt là trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực, chẩn đoán và hoá trị ung thư phế quản phổi, bệnh phổi không lao và lao (khoảng 30%), mỗi ngày phục vụ cho khoảng 900 lượt bệnh nhân ngoại trú và 947 giường nội trú.

 

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang ngày càng phát triển với cơ sở vật chất chuyên nghiệp, hiện đại hơn. (Ảnh: bvpnt.org.vn)

 

Ngoài hoạt động khám và chữa bệnh, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn tích cực thực hiện các nghiên cứu khoa học như nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở và cấp bộ về phát triển kỹ thuật chẩn đoán mới, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh hen, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc và lao/HIV; thực hiện các nghiên cứu cơ bản khảo sát kiểu gien của người bệnh để tìm mối tương quan giữa kiểu gien của người bệnh với khả năng mắc bệnh lao hoặc lao kháng thuốc và nghiên cứu dịch tễ học ứng dụng trong công tác chỉ đạo tuyến liên quan đến các bệnh lao và bệnh phổi không lao.

Với vai trò là bệnh viện tuyến đầu, phụ trách chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cho chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi các tỉnh/thành phố Miền Nam, trong những năm qua, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các bênh nhân khu vực miền Nam nói riêng và trong cả nước nói chung.

 

33. BỆNH VIỆN ĐA KHOA THÁI BÌNH (THÁI BÌNH) – 120 NĂM (1903 – 2023)

Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, tiền thân là Nhà thương Thái Bình được thành lập ngày 17/12/1903. Hiện nay, bệnh viện đã trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống y tế của tỉnh Thái Bình.

Nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật mới cũng như không ngừng cập nhật, tiếp thu các phương pháp tiên tiến, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình có khả năng điều trị hiệu quả nhiều ca bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Các kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn có thể kể đến là: Đặt stent can thiệp động mạch vành, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, phẫu thuật tán sỏi qua da, nút mạch u gan, chấn thương…

 

Hình ảnh Nhà thương Thái Bình – tiền thân của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình in trên tờ Tin nhanh thuộc địa của Pháp năm 1907. (Ảnh: bvdktinhthaibinh.vn)

 

Với 120 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, xây dựng bệnh viện ngày càng lớn mạnh; không ngừng nâng cao y đức và tay nghề; thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với các thành tích đã đạt được, Bệnh viện đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương; nhiều thầy thuốc được phong tặng thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú.

 

Bệnh viện Đa khoa Thái Bình và những đổi mới sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển. (Ảnh: bvdktinhthaibinh.vn)

 

34. BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG (TP. HỒ CHÍ MINH) – 123 NĂM (1900 – 2023)

Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa tuyến Trung ương, hạng I, được thành lập từ năm 1900. Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và cống hiến, bệnh viện Hưng Vương đã trở thành lựa chọn tin tưởng của nhiều gia đình Việt trên hành trình chào đón những đứa trẻ.

 

Bệnh viện Hùng Vương xưa và nay. (Ảnh: bvhungvuong.vn)

 

Hiện nay, Bệnh viện Hùng Vương là một trong những bệnh viện sản phụ khoa tuyến trung ương, hạng nhất hàng đầu tại khu vực phía Nam. Bệnh viện thực hiện các chức năng khám, điều trị các bệnh lý sản phụ khoa, đỡ sanh, điều trị hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Với quy mô 900 giường, trong đó có 100 giường sơ sinh. Trung bình mỗi năm bệnh viện đón chào khoảng từ 35.000 đến 40.000 trẻ sơ sinh chào đời; từ 20.000 đến 25.000 ca phẫu thuật. Bệnh viện gồm 32 khoa, phòng trong đó 15 khoa lâm sàng, 07 khoa cận lâm sàng, 10 phòng chức năng. Bệnh viện Hùng Vương quy tụ các Y bác sỹ hàng đầu trong ngành Sản Phụ khoa với đội ngũ gồm gần 200 Y, bác sỹ, hơn 30 Dược sỹ, 91 Điều dưỡng viên, hơn 500 Hộ sinh và nhiều cán bộ công nhân viên khác. Lãnh đạo bệnh viện qua các thời kỳ luôn quan tâm xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

 

35. BỆNH VIỆN CHỢ RẪY (TP. HỒ CHÍ MINH) – 123 NĂM (1900 – 2023)

Bệnh viện Chợ Rẫy tiền thân là bệnh viện Hôpital Municipal de Cho lon do người Pháp xây dựng vào năm 1900. Trải qua nhiều năm hoạt động, bệnh viện được đổi thành nhiều tên gọi khác nhau như Hôpital Lalung Bonnaire hay Hôpital. Cho đến năm 1957, cái tên Chợ Rẫy mới chính thức ra đời. Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, xếp hạng đặc biệt, tuyến kỹ thuật sau cùng các tỉnh thành phía Nam, trực thuộc Bộ Y tế.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị y tế sỡ hữu nhiều Kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: choray.vn)

Thế mạnh nổi bật tại bệnh viện Chợ Rẫy là sự kết hợp giữa các chuyên khoa mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Bệnh viện hoạt động theo mục tiêu hiện đại hóa quy trình kỹ thuật y khoa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và phong cách giao tiếp. Bên cạnh công tác thăm khám và điều trị bệnh cho người dân, bệnh viện Chợ Rẫy còn thực hiện nhiều trọng trách như: Hướng dẫn thực hành và đào tạo chuyên sâu cho các sinh viên đang theo học tại trường ĐH Y Dược TPHCM cũng như các sinh viên học ngành y thuộc diện trung cấp, sau đại học; Tổ chức thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học về y khoa và ứng dụng vào thực tiễn; Lên kế hoạch triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân; Thực hiện công tác giám định y khoa, pháp y…

Tháng 10/2017, Bệnh viện Chợ Rẫy vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 04 Kỷ lục dành cho tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy gồm: “Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam”, “Bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam”, “Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam” và “Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”.

 

36. BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG 2 (TP. HỒ CHÍ MINH) – 161 NĂM (1862 – 2023)

Bệnh viện Nhi đồng 2, tiền thân là Bệnh viện Quân sự do quân đội Pháp thành lập năm 1862, hiện là bệnh viện chuyên khoa Nhi – hạng 1, trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Đồng thời, cũng là một trong 4 bệnh viện Nhi hàng đầu tại Việt Nam phụ trách công tác khám, chữa bệnh cho các bé từ 0 đến dưới 16 tuổi.

 

Một số hình ảnh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 trước đây. (Ảnh: benhviennhi.org.vn)

 

Bệnh viện Nhi Đồng 2 tọa lạc ở vị trí đẹp và gắn liền với quá trình phát triển của thành phố, trên một khu đất cao với diện tích 8,6 hecta, giáp 4 mặt tiền đường: Lý Tự Trọng, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Du và Hai Bà Trưng (quận 1). Bệnh viện có 1.400 giường bệnh, nhiều cây xanh, thoáng mát, sân chơi rộng rãi, thân thiện với trẻ em… và 10 phòng chức năng, 38 khoa lâm sàng, cận lâm sàng với đầy đủ các chuyên khoa (đặc biệt là khoa Ngoại Thần kinh, vật lý trị liệu, khoa Tâm lý, khoa Sức khỏe trẻ em…).

 

Với lịch sử hơn một thế kỷ hoạt động trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín dành cho trẻ em. (Ảnh: benhviennhi.org.vn)

 

Bên cạnh hoạt động khám và chưa trị, bệnh viện còn là trung tâm hợp tác nghiên cứu lâm sàng với các viện, bệnh viện đầu ngành trong cả nước, Tổ chức Y tế thế giới, các trường đại học và viện nghiên cứu của các nước phát triển…Từ năm 2004, Bệnh viện đã triển khai thực hiện phẫu thuật ghép thận và ghép gan. Năm 2010, triển khai đơn vị phẫu thuật tim hở và thông tim can thiệp. Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở nhi khoa duy nhất trong cả nước có phẫu thuật chấn thương sọ não và bệnh lý ngoại thần kinh nhi khoa.

 

37. BỆNH VIỆN ĐA KHOA XANH PÔN (HÀ NỘI) – 112 NĂM (1911 – 2023)

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – tiền thân là một cơ sở điều trị nhỏ với 50 giường bệnh được thành lập năm 1911. Ngày nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành bệnh viện hạng 1 của TP Hà Nội với hơn 600 giường bệnh, 45 khoa phòng hơn 1000 cán bộ nhân viên, 7 chuyên khoa đầu ngành: Ngoại, Nhi, Gây mê Hồi sức, Xét nghiệm, Chần đoán Hình ảnh, Điều dưỡng, Phẫu thuật tạo hình.

 

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hiện nay. (Ảnh: bvxanhpon.vn)

 

Hàng năm, Bệnh viện tiếp nhận khám cho 600 nghìn lượt người, điều trị nội trú 45 nghìn bệnh nhân, trong đó có các bệnh nhân nặng của bệnh viện tuyến dưới gửi đến cũng như bệnh nhân ngoại tỉnh, vùng lân cận Hà Nội. Chuyên ngành ngoại khoa và gây mê của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có những thế mạnh vượt trội với các kỹ thuật: tạo hình, che phủ vạt da, nối chuyển các ngón, phẫu thuật nội soi khớp gối và khớp vai, phẫu thuật thần kinh có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường… Nhiều trong số đó là các kĩ thuật cao ngang tầm quốc tế.

Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và cống hiến, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã nhiều lần vinh dự được trao tặng các phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lao động (2015), Huân chương Lao động hạng Nhất (2009), Huân chương Lao động hạng Nhì (2005) và nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y Tế, UBND TP. Hồ Chí Minh.

 

38. BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG (HÀ NỘI) – 112 NĂM (1911 – 2023)

Cách đây hơn một thế kỷ, khi các bệnh truyền nhiễm phát triển nhanh chóng, năm 1911 một cơ sở điều trị dành cho những bệnh nhân bị mắc các bệnh truyền nhiễm ở Cống Vọng thuộc tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ (nay là Hà Nội) được thành lập, và được gọi là Bệnh viện Lây Cống Vọng (Hôpital des contagieux à Cống Vọng). Đây cũng chính là đơn vị tiền thân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày nay.

 

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị đi đầu và làm nòng cốt khi có dịch bệnh xuất hiện. (Ảnh: benhnhietdoi.vn)

 

Trong những năm vừa qua, bệnh viện là đơn vị đi đầu và làm nòng cốt khi có dịch bệnh nguy hiểm và các dịch bệnh mới xuất hiện. Những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế Bệnh viện nhanh chóng dập tắt các dịch nguy hiểm như SARS, cúm gia cầm H5N1, cúm A H1N1, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, liên cầu lợn, dịch sởi, sốt phát ban, … Ngoài việc tổ chức, chỉ đạo chống dịch Bệnh viện tham gia cùng Bộ Y tế xây dựng các phác đồ chẩn đoán, điều trị các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới.

Với chiều dày lịch sử gần một thế kỷ, phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết phấn đấu vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

 

39. BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG (TP. HỒ CHÍ MINH) – 104 NĂM (1919 – 2023)

Tiền thân của bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trạm y tế được thành lập vào năm 1903. Trạm y tế này được thành lập bởi một Đông y sĩ nhằm mục đích chữa bệnh miễn phí cho người Hoa. Đến năm 1919, trạm được tu sửa và xây dựng thêm và được đổi tên thành Y viện Quảng Đông. Nó hoạt động theo mô hình của một bệnh viện tư nhân cho đến khi đất nước được thống nhất. Năm 1978, theo chủ trương của Chính phủ, Y viện Quảng Đông trở thành một bệnh viện công lập và sau đó được đổi tên thành bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được thành lập từ năm 1903. (bvnguyentriphuong.com.vn)

 

Đi lên từ một bệnh viện công lập với hơn 100 năm thành lập, tất yếu có những khó khăn. Khó khăn lớn nhất của bệnh viện là cơ sở vật chất và hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân thành phố và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, với một đội ngũ cán bộ công nhân viên năng động, tận tâm, bệnh viện đã vượt qua những hạn chế ấy để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.

Hơn một trăm năm trong chiều dài lịch sử đất nước chẳng là bao nhưng với một đơn vị y tế địa phương thì khoảng thời gian ấy là rất đáng kể. Sự trưởng thành của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hiện nay có phần đóng góp công sức, kinh nghiệm của nhiều thế hệ ngành y và chủ yếu là sự hỗ trợ của những đồng bào có lòng nhiệt tâm từ thiện trước đây cũng như của Nhà nước ngày nay. Tất cả đã giúp cho tập thể thầy thuốc và nhân viên của Bệnh viện có thêm niềm cổ vũ để phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến và năng lực chuyên môn.

 

40. BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC (HÀ NỘI) – 121 NĂM (1902 – 2023)

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày nay được thành lập từ năm 1902 cùng với sự ra đời của Trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của Trường Đại học Y Hà Nội. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Bệnh viện luôn là một trung tâm y tế hàng đầu gắn liền công tác khám chữa bệnh với nghiên cứu khoa học y học và đào tạo, nơi sản sinh ra những thầy thuốc hàng đầu của Việt Nam trong đó có nhiều danh nhân y học: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Dương Quang….

Hiện nay, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế. Xuyên suốt những chặng đường phát triển và cống hiến, bệnh viện Việt Đức luôn thức hiện theo 4 phương châm: Trình độ chuyên sâu, thiết bị hiện đại, phong cách chuyên nghiệp, chăm sóc tận tình đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tiếp tục phấn đấu phát triển bệnh viện theo hướng trọng tâm chuyên sâu, trọng tâm khu vực xứng đáng với niềm tin yêu của Nhà nước và nhân dân.

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế (Ảnh: benhvienvietduc.org)

 

Trong những năm gần đây, Bệnh viện có những bước phát triển vượt bậc, được trang bị các thiết bị y tế hiện đại nhất phục vụ công tác khám chữa bệnh. Với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các chuyên khoa sâu và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện đã đi sâu trong phát triển kỹ thuật trình độ cao như thành công của việc ghép đa tạng, phẫu thuật thần kinh sọ não, lồng ngực, phẫu thuật nội soi bụng, sọ não, cột sống, khớp, tiết niệu…

Với những đóng góp to lớn trong hơn một thế kỷ qua, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất (1986, 2016), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1973), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1996), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001), Huân chương Hồ Chí Minh (2010), Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2006), Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (2004).

 

——————–

(Còn tiếp)

Việc ghi nhận Niên lịch và Thành tựu các đơn vị trên trăm tuổi nhằm góp phần khẳng định những “di sản trăm năm”, những thương hiệu vượt thời gian trong các lĩnh vực như Y tế – Giáo dục – Kinh tế…, đã và đang tiếp tục được phát huy để đưa những giá trị của lịch sử lan tỏa mạnh mẽ hơn trong nhịp sống hiện đại. Danh sách các đơn vị trong TOP 100 ĐƠN VỊ TRÊN TRĂM TUỔI CÒN HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM (Lần 1, Năm 2023) sẽ được VIETKINGS tiếp tục công bố trong thời gian tới nhằm giới thiệu rõ hơn về lịch sử hình thành, những thành tựu và đóng góp của các đơn vị trong hơn một thế kỷ, trở thành động lực và nguồn cảm hứng phát triển cho các cá nhân – tổ chức trong hôm nay và mai sau.

Các đơn vị nằm trong TOP 100 ĐƠN VỊ TRÊN TRĂM TUỔI CÒN HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM (Lần 1, Năm 2023) có thể liên hệ VietKings để đón nhận bằng Niên lịch và Thành tựu tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam gần nhất trong năm 2023.

 

                Thông tin chi tiết xin liên hệ

                TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM – VIETKINGS

                Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh

                Phụ trách hành trình: Ms Quyên – 08 333 14 555

                Email: noidungkyluc@gmail.com

                Website: https://kyluc.vn

 

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM – VIETKINGS (Công bố Tháng 2/2023)

CÁC TIN KHÁC

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.64) Bạch Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu): Tòa biệt thự trắng với những câu...

(kyluc.vn) Tòa nhà màu trắng ẩn hiện giữa cánh rừng hoa đại không chỉ là một tòa bạch ốc có kiến trúc châu Âu đẹp nổi tiếng ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Bạch Dinh còn là di tích lịch sử, nơi chứng kiến cuộc đời trầm luân của vị vua yêu nước Thành Thái và sự xa xỉ của vua Bảo Đại- ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Đến với Bạch Dinh, du khách như ngược dòng lịch sử, trở về không gian của hàng trăm năm trước, cách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia.

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.62) Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng): Tinh hoa kiến trúc Kinh-Khmer-Hoa – [VIETKINGS-TOPPLUS đề...

(kyluc.vn) Là một ngôi chùa cổ của người Khmer, chùa Kh’Leang là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Với phong cách kiến trúc – điêu khắc không chỉ thuần Khmer mà còn thể hiện sự giao thoa với văn hóa Hoa – Việt, chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là một trong những điểm đến của du khách, khi ghé thăm Sóc Trăng.

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.61) Nhà trăm cột (Long An): Kiến trúc nhà Rường giữa miền Tây...

(kyluc.vn) Ở tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nhà Trăm cột là công trình kiến trúc điêu khắc cổ xây dựng theo lối nhà Rường đặc trưng của xứ Huế. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà vẫn được các hậu duệ của chủ nhân ngôi nhà gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Nhà hát kịch Việt Nam (Hà Nội) – TOP 5 sân khấu – nhà hát kịch lâu đời của Việt Nam thu hút nhiều...

(kyluc.vn) Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng biểu diễn nghệ thuật kịch nói; sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch nói.

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.60) Chợ Đà Lạt (Lâm Đồng): Trái tim của thành phố ngàn hoa...

(kyluc.vn) Chợ Đà Lạt hiện nay không chỉ là một ngôi chợ với các hoạt động mua bán thông thường với người bản xứ, mà còn là nơi nối tiếng thu hút khách tham quan khi đến với thành phố này.

[WOWTIMES – VIETKINGS] Trường Đại học Sài Gòn (1908-2024) – Chứng nhân lịch sử kiêu hùng – Top 100 đơn vị trên 100 tuổi...

(nienlich.vn) Đại học Sài Gòn được xây dựng vào năm 1908 có tiền thân là trường Trung học Pháp – Hoa. Trong hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường hiện là cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học công lập, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Bài viết nổi bật

Đại học Sư phạm TP.HCM ‘bắt tay’ doanh nghiệp công nghệ Việt thúc đẩy chuyển đổi số

Theo hợp tác mới ký kết với Viettel Solutions, Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ cùng doanh nghiệp này xây dựng các giải pháp công nghệ trong giáo dục tập trung vào 4 nội dung chính.

Nhóm sinh viên trường ĐH Ngoại thương giành giải ‘Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng’

Ngày 12/6, tại Học viện Tài chính diễn ra Chung khảo Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc 'Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng' lần thứ VII, năm 2022. Ban Giám khảo đã chọn ra nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh giành giải Đặc biệt.

Bài viết mới nhất

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.64) Bạch Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu): Tòa biệt thự trắng với những câu chuyện lịch sử – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Tòa nhà màu trắng ẩn hiện giữa cánh rừng hoa đại không chỉ là một tòa bạch ốc có kiến trúc châu Âu đẹp nổi tiếng ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Bạch Dinh còn là di tích lịch sử, nơi chứng kiến cuộc đời trầm luân của vị vua yêu nước Thành Thái và sự xa xỉ của vua Bảo Đại- ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Đến với Bạch Dinh, du khách như ngược dòng lịch sử, trở về không gian của hàng trăm năm trước, cách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia.

Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) – TOP 5 khu chợ đặc trưng ba miền của Việt Nam được nhiều người biết đến (P.1) – [VIETKINGS-TOPPLUS – Hành trình TOP Việt Nam]

(kyluc.vn) Chợ Đồng Xuân là một trong những ngôi chợ lớn và tồn tại lâu đời nhất trong khu phố cổ Hà Nội. Khu chợ Đồng Xuân này có tuổi lâu đời tại mảnh đất thủ đô, trải qua hàng trăm năm lịch sử có từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Không chỉ là một trong những ngôi chợ diễn ra hoạt động giao thương sầm uất, mà chợ Đồng Xuân đã trở thành nét văn hóa đậm chất Hà Nội và trở thành địa điểm ngôi chợ đáng đến trong chuyến tham quan du lịch

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.63) Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng): Tinh hoa kiến trúc Kinh-Khmer-Hoa – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Là một ngôi chùa cổ của người Khmer, chùa Kh’Leang là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Với phong cách kiến trúc – điêu khắc không chỉ thuần Khmer mà còn thể hiện sự giao thoa với văn hóa Hoa – Việt, chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là một trong những điểm đến của du khách, khi ghé thăm Sóc Trăng.

[WOWTIMES – VIETKINGS] Trường THPT Chuyên Quốc học huế (1896-2024) – Địa chỉ đỏ về đào tạo – Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam – P22

(nienlich.vn) Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế là một trong những ngôi trường cấp 3 có tuổi đời "thọ" nhất Việt Nam. Đây không chỉ được xem là địa điểm chứng nhân của lịch sử mà còn là chiếc nôi đào tạo hàng ngàn học sinh xuất sắc, trở thành những người có tầm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga lập 02 kỷ lục Việt Nam trong phẫu thuật bệnh lý về mắt vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập

(Kyluc.vn) Vào tối 4.5.2024, lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hệ thống Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga diễn ra tại Hà Nội. Cũng trong dịp này. Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao 02 Kỷ lục Việt Nam tới Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga với số lượng ca phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể với kính đa tiêu Zeiss và điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp Smile nhiều nhất tại Việt Nam.

TOP 100 Hồng bảo Kỷ lục Thế giới tại Việt Nam (P.62) Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng): Tinh hoa kiến trúc Kinh-Khmer-Hoa – [VIETKINGS-TOPPLUS đề cử]

(kyluc.vn) Là một ngôi chùa cổ của người Khmer, chùa Kh’Leang là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Với phong cách kiến trúc – điêu khắc không chỉ thuần Khmer mà còn thể hiện sự giao thoa với văn hóa Hoa – Việt, chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là một trong những điểm đến của du khách, khi ghé thăm Sóc Trăng.